Kinh nghiệm ôn thi PMI-PBA

1. Tại sao lại là PMI-PBA chứ không phải CCBA hay CBAP của IIBA?

Để dễ hình dung thì PMI-PBA giống với TOEIC cho một BA làm trong các dự án phần mềm, còn các chứng chỉ của IIIBA như CCBA hay CBAP thì giống với IELTS hơn, tức là nó sẽ không quan trọng bạn làm BA ở đâu, có phải trong dự án phần mềm hay không. Các tools và techniques của PMI-PBA sẽ tập trung phục vụ cho các công việc của BA trong dự án phần mềm, còn của bên IIBA thì sẽ được áp dụng rộng hơn và đa dạng hơn (cũng khó hơn nữa theo một mức độ nào đó). Mà mình thì đang làm IT BA, vậy nên việc chọn PMI-PBA để thi sẽ hợp lý hơn với mình, theo quan điểm của mình là vậy.

Tất nhiên cũng như TOEIC với IELTS, PMI-PBA cũng có chút bất lợi về độ phổ biến, bởi chứng chỉ này được ra đời muộn hơn các chứng chỉ CCBA hay CBAP của IIBA, cũng mới ít người có được nó ở trên thế giới, dẫn đến việc khi ghi vào CV xin việc, ấn tượng của nó tạo ra chưa chắc đã tốt bằng việc có được 1 chứng chỉ của IIBA. Nhưng mà kệ đi, mình là người thực dụng, mình thích là mình nhích thôi.

Các bạn có thể tham khảo thêm so sánh về các loại chứng chỉ BA ở đây

2. Tài liệu ôn thi

Không biết còn chỗ nào mình chưa lục lọi để kiếm tài liệu ôn thi nữa không, từ việc lặn lội lên các nhóm ôn thi của mấy anh Ả Rập, Ai Cập, đến các hội nhóm trên Telegram, sang cả mấy trang của Nga ngố,… Mình sẽ để tên các tài liệu dưới đây, kèm nhận xét sơ bộ về chúng:

  1. The PMI Guide to BUSINESS ANALYSIS: Thánh kinh gối đầu giường, tài liệu ôn tập chính của PBA, do chính PMI phát hành, gọi tắt là quyển Guide.
  2. BUSINESS ANALYSIS FOR PRACTITIONERS: Cũng do PBA phát hành, dùng để giải thích rõ hơn cho quyển Guide, gọi tắt là quyển Practitioners.
  3. PMI-PBA Exam Prep: Siêuuuuuu khuyến khích đọc nếu cảm thấy 2 quyển trên đọc vẫn thấy khó nha, quyển sách mà mình thấy viết dễ hiểu nhất trong tất cả các sách ôn thi, có bài tập, ví dụ minh họa đủ kiểu.
  4. PMI-PBA CERTIFICATION STUDY GUIDE: Sách của Watermark phát hành, có 2nd edition rồi nhưng mình lục cả cái google rồi không ra + tiếc tiền không mua khóa ôn thi của họ (ai muốn mua thì ĐÂY) nên chỉ kiếm được bản đầu, cơ mà đọc cũng được. Sách cũng có đủ ví dụ, bài tập, có các tip ghi nhớ mnemonic kiểu “Khi Nào Cần May Áo Giáp Sắt…”, có đánh giá độ quan trọng của từng tools và techniques. Cơ mà mình không khoái bằng quyển Exam Prep ở trên.
  5. PMI-PBA Exam Prep Questions, Answers & Explanations: Bộ đề luyện thi chính của mình, cơ mà rất nhiều câu hỏi hỏi từ sách PMBOK làm mình cứ lo khi thi thật sẽ bị hỏi, nhưng cuối cùng chẳng có.
  6. PMI-PBA® Exam Practice Test and Study Guide: Quyển sách có chứa những bộ đề ôn tập của bác Brian Williamson mà khi làm các bạn sẽ tự hỏi không biết có thật là để cho PBA – Professional BA không hay là Professor BA. Nói chung là khó, siêu khó, đọc giải thích xong nhiều lúc cũng chẳng hiểu. Quyển này ai thích đọc để thử thách bản thân thì cứ đọc, mình thêm vào cho bài viết nó dài thôi =))
  7. Bộ đề luyện thi mình kiếm được của các anh Ả Rập, mấy bộ đề mình tải từ Udemy về nữa.

Lưu ý: Mình đọc một số bài viết hướng dẫn ôn thi PMI-PBA do người khác viết thấy có bảo cần đọc cả PMBOK (tên đầy đủ là A Guide to the Project Management Body of Knowledge – PMBOK® Guide) nhưng theo như đợt dự thi của mình vào tháng 2/2023 thì KHÔNG HỀ CÓ HỎI VỀ CÁC NỘI DUNG TRONG PMBOK, nên là các bạn không cần phải đọc quyển sách dày gần 1000 trang này đâu, nhẹ gánh nha. 

Link download mình sẽ để ở đây nha. DOWNLOAD

3. Chiến thuật luyện thi của mình

PMI không phân chia chứng chỉ BA của mình thành các level từ thấp đến cao như bên IIBA, nên kì thi PMI-PBA có độ khó ngang với CBAP. Mình xác định không vội vàng gì mà cần có chứng chỉ sớm, nên mình học rất nhẩn nha, vừa làm vừa học, mục đích là để áp dụng kiến thức học được vào thực tế, vừa lấy thực tế để kiểm chứng kiến thức. Vậy nên tính từ lúc bắt đầu ôn thi đến lúc thi thật, mình mất khoảng 2 năm, đến lúc thi là mình có được hơn 4 năm kinh nghiệm làm BA, cũng đủ điều kiện để đăng ký dự thi với PMI luôn. Còn nếu bạn đủ số năm kinh nghiệm rồi thì thời gian học để thi chắc chỉ mất vài tháng thôi. Mình có quen vài bạn ôn thi có 2-3 tháng là xong hà.

Sau đây là trình tự học của mình:

Giai đoạn 1:

Đọc ;ần 1 quyển Guide và Practitioners để hiểu qua cách bố trí nội dung sách.

Quyển Guide thì sẽ viết về các công việc (tasks) của BA cần làm trước, trong và sau dự án theo cấu trúc là Giải thích chung về task -> Inputs cần có để làm task -> Các tools và techniques để làm task đó -> Outputs cần đưa ra sau khi làm task -> Tailoring Considerations: So sánh task khi làm dự án theo Adaptive (Agile) và Predictive (Waterfall) -> Collaboration Point: Các roles mà BA có thể sẽ cần làm việc cùng khi làm task đó. 

Quyển Practitioners viết dễ hiểu hơn quyển Guide, các bạn có thể đọc quyển này trước quyển Guide nếu không muốn bị ngợp do nhiều lúc nhìn quyển Guide rất chi là nản vì nhiều trang sách chỉ có chi chít toàn chữ là chữ =)). Nên chuẩn bị cái bút nhớ để đánh dấu những chỗ quan trọng/trọng tâm để lần sau đọc lại đỡ mất thời gian, đánh dấu cả những từ tiếng Anh không biết nghĩa nữa. Những bạn có tiếng Anh chưa tốt nên cẩn trọng chỗ này, bởi vì khi làm bài thi thật thì từ vựng trong đó rất tương đồng với 2 cuốn sách này, bởi cùng từ một lò PMI mà ra mà.

Do các ITTO (Inputs, Tools, Techniques and Outputs) có thể sẽ được sử dụng lặp laị trong nhiều task khác nhau, các bạn cần để ý đến vai trò hay công dụng của chúng ở trong task. Các câu hỏi mình đặt ra khi đọc sách Guide là:

  • Input/Tool/Technique/Output này là về cái gì?
  • Input này cung cấp thông tin gì để làm task? (Mình sẽ highlight lại cái này)
  • Tool/technique này sẽ được làm như thế nào? (Cái nào chưa hiểu rõ mình sẽ tự lấy 1 case study để áp dụng và thực hành)
  • Khi hoàn thành thì Tool/technique này tạo ra cái gì để dùng trong output? (Mình cũng sẽ highlight lại cái này)

Ngoài ra mình cũng highlight các đoạn hay hay mà sách viết nữa để áp dụng trong công việc, học đâu phải chỉ để thi, đúng không?

Bên cạnh việc đọc sách, các bạn cũng nên bắt đầu xây dựng 1 file Glossary để tổng hợp các khái niệm mà các bạn chưa biết hoặc mơ hồ. File này sẽ rất hữu dụng sau này khi dùng để ôn tập lại kiến thức. File Glossary có thể làm như này hoặc làm dạng bảng như này cho dễ nhìn. Các techniques nào thấy khó hiểu hoặc bạn chưa dùng bao giờ trong thực tế thì hãy tra cứu thêm trên google, tự làm ví dụ với các case study thực tế (do mình tự tưởng tượng ra hoặc áp dụng vào dự án mình đang làm).

Lưu ý:

  • 2 phần Tailoring Considerations và Collaboration Point của từng task sẽ không bị hỏi trong bài thi thật, nhưng các bạn vẫn nên đọc để lấy kiến thức áp dụng vào thực tế
  • Các task trong quyển Guide hơi lệch chút so với quyển Practitioners và so với các domain mà PMI trình bày trong PMI-PBA Examination Content Outline, cơ mà các bạn đừng quá quan tâm task này thuộc domain nào vì đề thi sẽ không hỏi, thay vào đó hãy tập trung vào việc hiểu xem task đó là làm cái gì, ITTO là gì. 

Tóm lại là: Đọc từng domain, từng task, từng ITTO trong task đó, làm file glossary, đọc để hiểu, không cần phải ghi nhớ học thuộc lòng. Chăm chỉ đọc mỗi ngày 30 trang sách chắc mất tầm nửa tháng, lười thì 1 tháng. Xong giai đoạn 1.

Giai đoạn 2:

Đọc lại sách Guide và Practitioners lần 2, kết hợp với làm đề theo domain.

Trong lần này các bạn đã có thể đọc nhanh hơn do quen với cách viết và từ vựng trong sách rồi, các bạn có thể đọc thêm quyển số 3 PMI-PBA Exam Prep mình đề cập ở trên để hiểu hơn nữa về từng domain, cũng như có thể làm bài tập ở trong sách này (Highly recommend đó trời ơi, sách viết dễ đọc dã man). Bạn cũng cần xem lại file Glossary xem có khái niệm nào, có tools hay techniques nào đọc tên mà mình chưa nắm được không.

Trong lần đọc thứ 2 này, hãy tập trung hơn vào việc ghi nhớ xem công dụng của từng ITTO trong task, bởi đề thi sẽ không hỏi về khái niệm của từng ITTO mà sẽ đưa ra các câu hỏi tình huống và hỏi xem mình nên làm gì. Nếu không nắm được cách dùng của các ITTO thì sẽ không trả lời được.

Ở giai đoạn này các bạn bắt đầu thử làm mock test được rồi. Cứ đọc xong một domain trong quyển Guide và phần tương ứng của domain đó trong quyển Practitioners thì làm một phần test tương ứng trong bộ đề thi Udemy hoặc trong bộ đề của đồng chí Ả Rập mình share trong folder ở trên để ôn tập lại kiến thức. Đừng sợ hết đề để làm, tiền để mua đề trên Watermarks có thể mình không có, nhưng đề free thì mình có đầy, các bạn chỉ việc tải về mà làm thôi =)).

Sau khi đọc xong hết sách thì các bạn có thể làm thử một đề full để xem mình đang được tầm bao nhiêu % rồi. Đề thi thật có 200 câu hỏi làm trong 4 tiếng, PMI không có nói đúng được bao nhiêu % thì sẽ pass, nhưng để chắc cú thì bạn vẫn nên đúng ít nhất 70% trong đề thi thử. Hết thêm tầm 1 tháng nữa

Giai đoạn 3:

Kiếm đủ 35 contact hours of education để đủ điều kiện đăng ký dự thi, đọc lại sách Guide và Practitioners lần 3, luyện đề.

Các bạn có thể kiếm 35 contact hours of education thông qua các khóa học về BA của các tổ chức được PMI công nhận, gọi là PMI Authorized Training Partners (ATPs). Mình tìm hiểu được thì có một số lựa chọn:

  • Khóa luyện thi PMI-PBA của BAC (6,3 triệu) hay Atoha (9,9 triệu): Đây là khóa học của các trung tâm đào tạo Việt Nam nên có ưu điểm là giảng dạy bằng tiếng Việt, có gì không hiểu có thể hỏi trực tiếp giảng viên luôn. Nhược điểm là chi phí cao, do độ phổ biến của PMI-PBA chưa cao nên dễ phải đợi lớp đủ người thì mới khai giảng được.
  • Khoá học ôn thi PMI-PBA trên iZenbridge: Khóa của 2 bác người Ấn Độ, một bác là giảng viên chính của iZenbridge, một cô là giảng viên phụ. Cô này giảng theo kiểu đọc slide nên nghe hơi buồn ngủ. Ưu điểm là khóa online nên học lúc nào cũng được, chi phí thấp hơn mấy khóa offline ở Việt Nam ở trên (219USD), bộ đề ôn thi rất nhiều (nhưng hơi nhàm do câu hỏi cũng na ná nhau). Nhược điểm là tiếng Anh-Ấn khó nghe lúc đầu, lúc sau quen tai thì…cũng vẫn khó nghe thôi. Ai tiếng Anh tốt thì ko lo. Mình chọn mua khóa này cho tiết kiệm, chủ yếu là mua để lấy 35 giờ học đủ điều kiện để thi + xem những phần nào mà mình vẫn còn mơ hồ khi đọc sách. Lưu ý: Khóa học có nhồi thêm các bài giảng về PMBOK,có lẽ là cho đủ thời lượng 35 contact hours. 
  • Các khóa học liên quan đến BA vẫn được tính, miễn là được cung cấp bởi partner của PMI. Bạn mình tham gia khóa học BA nâng cao của BAC và PMI vẫn duyệt.
  • Ngoài ra các bạn có thể thử liều với khóa học trên Udemy này, giá là 2,5 triệu, rẻ và có ghi là cung cấp được 35 contact hours, nhưng mình có lội review không thấy ai nói là được PMI duyệt khi thi. 

Có một điểm hay của contact hours này là chúng không bao giờ hết hạn, cho nên nếu bạn có đủ 35 giờ đào tạo này trong năm nay, thì 3 năm 5 năm nữa bạn thi thì chúng vẫn được công nhận bởi PMI.

Sau khi học xong khóa học mà bạn đã đăng ký, nhớ xin đơn vị tổ chức file chứng chỉ để nộp khi đăng ký thi nha.

Trong quá trình học khóa học thì kết hợp đọc lại lần nữa 2 quyển Guide và Practitioners luôn. Tin là lần này các bạn đã có thể đọc nhanh hơn nhiều rồi, nhưng lần này cũng là lần cuối các bạn đọc sách trước khi thi, hãy đọc một cách cẩn thận để tránh bỏ qua những chỗ quan trọng mà mình đã không để ý. Trong lần này có thể kết hợp đọc thêm cả quyển của Watermark, trong đó cũng có đề test thử để các bạn làm luôn.

Giai đoạn này bắt đầu tập trung vào cày đề. Ở trên mình có nói là không bao giờ sợ hết đề để làm, và tin mình đi, đề cực kì nhiều, chỉ sợ các bạn không có đủ thời gian và kiên nhẫn để mà làm thôi.

  1. Khóa học của iZenbridge có cung cấp kho đề theo từng domain của sách Guide, và cả bộ đề full nữa. Mỗi lần các bạn bắt đầu làm thì hệ thống của iZenbridge sẽ lấy tự động các câu hỏi từ ngân hàng đề thi của họ, cơ mà nếu bạn làm lại bài test thì sẽ thấy các câu hỏi bị trùng khá nhiều so với lần làm bài trước, vậy nên mỗi domain mình chỉ làm đề test 2 lần, làm đề full cũng chỉ làm 2 lần.
  2. Cày đề trong sách PMI-PBA Exam Prep Questions, Answers & Explanations. Thật lòng là mình cày đề chính là ở quyển này. Giải thích dễ hiểu, đề nhiều, phân thành các đề mini 50 câu trong 1h nên làm không bị nản như khi làm đề full 200 câu. Cơ mà hay hỏi cả kiến thức trong PMBOK, cái này bỏ qua nha, thi thật không gặp đâu.
  3. Bộ tài liệu của anh Ả Rập cũng có kha khá đề để làm.
  4. Mình có kiếm được 2 bộ đề trên Udemy, các bạn cũng có thể làm thử.
  5. Không khuyến khích làm đề trong PMI-PBA® Exam Practice Test and Study Guide, khó quá mức cần thiết.

Chúng ta sẽ có một cái vòng lặp khi luyện đề: Đọc sách -> Làm đề -> Chữa đề, phát hiện ra những chỗ nào chưa hiểu rõ -> Đọc sách (Bổ sung vào Glosarry những khái niệm còn mơ hồ để xem lại) -> Làm đề ->…

Các bạn làm đề mà đúng trung bình từ 70% trở lên thì cứ tự tin đi thi nha, vì theo cảm nhận của mình, đề thi thật DỄ HƠN kha khá. Hết thêm 1 tháng nữa, tổng 3 tháng là thoải mái ôn thi tà tà.

4. Đăng ký thi

Các bạn có thể thực hiện đăng ký thi bất cứ lúc nào, không nhất thiết phải đợi làm đề chán chê chắc cú đủ kiểu rồi mới đăng ký, bởi vì khi được duyệt đơn đăng ký dự thi xong, các bạn không bắt buộc phải làm bài thi ngay. PMI cho phép chúng ta chọn lịch thi phù hợp với bản thân, miễn là trong thời hạn 1 năm kể từ ngày được duyệt. Trong 1 năm này các bạn có thể thi tối đa 3 lần, sau 3 lần mà vẫn tạch thì phải đăng ký lại từ đầu.

Nếu các bạn tự bỏ tiền để thi thì các bạn nên mua gói membership của PMI với giá 139USD, chi phí dự thi sẽ chỉ còn 405USD, tổng là 544USD. Còn nếu công ty tài trợ, các bạn có thể bỏ qua vụ membership mà trả thẳng phí dự thi cho non-member là 555USD.

Update tháng 6/2023: PMI vẫn đang giảm giá thi cho thị trường Việt Nam với chi phí thi chỉ còn 284USD (với điều kiện phải mua membership 139USD), các bạn tranh thủ nhé. Như mình thì hồi đó thi không có được giảm giá (tiếc…)

Để đăng ký dự thi, các bạn cần lên pmi.org để tạo tài khoản. Sau khi tạo xong thì vào trang này để apply. Các bạn sẽ cần nhập thông tin học tập ở trường Đại học/Cao Đẳng, thông tin khóa học cung cấp contact hours (có thể nhập nhiều khóa học, miễn sao số giờ học tối thiểu 35), Kinh nghiệm làm việc với vai trò là BA và cuối cùng là các thông tin cá nhân phục vụ cho việc làm bài thi như Nơi làm bài thi, số điện thoại, email, địa chỉ,… Sau khi điền xong thì Submit đợi PMI xét duyệt thôi.

Phần khoai nhất khi điền đơn đăng ký dự thi chắc chắn là phần mô tả kinh nghiệm làm việc. Nói chung là bạn bê nguyên cái phần mô tả trên CV của bạn vào là được, nhưng bên iZenbridge có gợi ý là nên sắp xếp theo các domain trong sách Guide. Dưới đây là phần mô tả của một công ty mình đã làm, các bạn có thể tham khảo:

Project Description
Project objective: To build forms for the bank customers to apply for Personal Loan and Credit Card
Outcome: Forms for the bank customers to apply for Personal Loan and Credit Card
My role on the project: Business Analyst
My responsibilities:
– Assess current state, determine future state and perform gap analysis; (Đây là Needs Assessment)
– Create Way of Work, plan how the requirements will be elicited, analysed and documented; (Đây là Planning)
– Identify and work with business stakeholders to elicit and define user requirements through the use of the most appropriate method(s); (Đây là Stakeholder Engagement and Elicitation)
– Gather, organize and synthesize large amounts of information from various sources and translate them into functional requirements, and contribute to the management expectations; (Đây là Analysis)
– Analyze requirements that are uniquely traceable, verifiable and prioritized in a manner that is acceptable to both business and technology stakeholders; (Đây là Analysis)
– Use data and process modeling tools (process mapping, business, object, and dataflow modeling) to analyze and represent information in an effective form, in order to translate business requirements into meaningful statements of work; (Đây là Analysis)
– Manage change requests and make sure all requirements are monitored in RTM (Đây là Traceability and Monitoring)
– Support PO to perform User Acceptance testing (Đây là Evaluation)
Deliverables: User stories, Requirement Traceability Matrix

Mình submit vào ngày mùng 7 thì ngày 12 đã thấy được qualified để thi rồi. Cơ mà PMI không gửi mail hay gì cả, mình phải tự chủ động check trên pmi.org. Nghe bảo PMI sẽ randomly audit người dự thi, nhưng mình may mắn không rơi vào trường hợp bị audit.

Nhấn vào Pay for Exam để cảm nhận sự đau ví thôi. Sau khi trả tiền cho PMI xong thì mới nhận được mail báo eligible.

Để lên lịch hẹn làm bài thi thì các bạn lại vào lại pmi.org. Có 2 cách làm bài thi:

  • Online làm tại nhà, yêu cầu phải có mạng mẽo đủ nhanh, phòng kín không có ai ra vào, máy tính có loa và webcam (không được dùng tai nghe)
  • Offline ra trung tâm khảo thí để thi. Cái này thì không cần lo vụ máy móc. Ở Hà Nội thì các bạn sẽ thi ở IPMAC, Tầng 6, Tòa nhà Kim Ánh, ngõ 78, phố Duy Tân, Quận Cầu Giấy.

Mình chọn làm online cho tiện vì mình ngại đi lại + nhà cũng xa. Các bạn lưu ý là nếu muốn đổi hoặc hủy lịch thi thì phải làm trước ít nhất 30 ngày trước ngày đã đặt lịch, nếu không sẽ tốn 70USD.

Đăng ký xong xuôi thì lại quay lại với những ngày cày đề chữa đề thôi. Nhớ luôn luôn xây dựng file Glosarry và review nó thường xuyên nha.

5. Kinh nghiệm làm bài thi online tại nhà

PMI có hẳn một file có các tips để phục vụ việc làm bài thi tại nhà như là không ôn bài từ tối hôm trước khi thi, kiểm tra một lần nữa máy tính, webcam và loa, tải trước phần mềm test để làm test simulation, ăn uống nhẹ, bla blo ble,… Các bạn đọc và làm theo thôi. 

Mình phải thừa nhận là dù điểm làm đề test của mình trước khi thi cũng ổn, nhưng khi vào làm bài thi thì cũng vẫn lo lắng lắm. Có một lưu ý to đùng cho các bạn là PMI sẽ không gửi mail hay thông báo gì về link test đâu, nên đến giờ vào test thì các bạn phải truy cập trang https://my.pmi.org/certification để lấy mã truy cập làm bài thi. Hôm đó mình tá hỏa lên không biết làm sao để truy cập, may sao mò ra. (Mà có khi PMI cũng hướng dẫn ở đâu đó nhưng do mình bị miss???).

Trước khi vào thi thì chúng ta có khoảng 30 phút để chụp ảnh phòng mà chúng ta sử dụng để làm bài, chụp trên dưới trái phải các thứ, chụp giấy tờ cá nhân (CCCD, hộ chiếu,…) rồi chụp ảnh bản thân để checkin. Sau đó sẽ có một phần mềm call với giám thị, họ sẽ nói chuyện với chúng ta qua đó. Mình gặp một bạn người Ấn, nói rất khó nghe nên mình gặp khó khăn khi nói chuyện với bạn ấy, cơ mà bạn ấy cũng rất linh động chuyển qua hình thức chat với mình. Bạn ấy yêu cầu mình tháo cái đồng hồ thông minh ra khỏi tay và cho nó ra khỏi khu vực thi, mình làm theo xong thì bạn ấy bảo mình có thể bắt đầu làm bài rồi. Đồng hồ tính giờ sẽ bắt đầu tính khi chúng ta bấm Start, nên là hôm đó mình bắt đầu làm bài trước thời gian mình đặt lịch khoảng 10 phút.

Đề thi dễ hiểu và không đánh đố, có rất nhiều câu mình cảm giác như cho điểm vậy vì đáp án nó rất nghiễm nhiên. Mình xin phép không chia sẻ quá nhiều về nội dung thi nhằm đảm bảo tính bảo mật, chỉ mong các bạn đừng quá lo lắng khi làm bài thi, nếu như các bạn đã cày nát đề thi thử trước đó rồi. Nhớ dùng tính năng gắn cờ để đánh dấu các câu hỏi mà bạn phân vân vào để xem lại.

Hết 100 câu hỏi đầu tiên thì chúng ta được phép nghỉ giải lao 10 phút, đứng dậy đi ra ngoài cũng được. Trước đó các bạn sẽ cần kiểm tra lại thật kĩ 100 câu hỏi vừa làm xong, vì sau khi xác nhận nghỉ giải lao sẽ không được quay lại làm nữa, đề phòng người làm bài thi tận dụng 10 phút nghỉ này để đi tra tài liệu =)) Khi nào quay lại thì sẽ phải chụp ảnh check in một lần nữa, rồi tiếp tục làm bài thôi.

Kết quả có ngay sau khi thi, lúc đó mình vẫn còn đang hồi hộp quá nên không đọc kĩ, cứ tưởng PMI chỉ báo ghi nhận nội dung làm bài, nhưng lúc sau tắt màn hình đi ra thì mới ngờ ngợ họ có chúc mừng mình pass chứ không phải chỉ là chúc mừng hoàn thành bài thi. Đợi thêm một chút nữa thì có mail chúc mừng, lúc này thì mới dám vui mừng đi khoe mọi người =))

PMI có đánh giá chi tiết kết quả chung mình nắm được của từng domain trong bài thi, nhưng không có % số câu đúng cụ thể. Các bạn có thể check trong https://my.pmi.org/certification

 

Đến đây là xong rồi, việc tiếp theo là đi ăn mừng thôi. Khi nào bình tĩnh lại rồi, có thời gian thì viết bài chia sẻ để giúp cho những bạn khác đang có nhu cầu thi PMI-PBA nha, để chứng chỉ này ngày càng phổ biến, giúp người cũng là giúp ta mà. Các bạn có câu hỏi nào thì comment ở phía dưới hoặc inbox mình qua facebook: https://fb.com/AVMinova nhé.

CHÚC CÁC BẠN SỚM ĐẠT ĐƯỢC PMI-PBA!

Cheers,
AV – 21/06/2023

Tagged , ,

2 thoughts on “Kinh nghiệm ôn thi PMI-PBA

  1. Cảm ơn bạn vì bài viết quá tuyệt vời… đặc biệt là bạn đã share hết các tài liệu mà bạn đã dày công tìm tòi.

    Mình xin hỏi bạn thêm 1 chút, do ENG của mình không tốt, và là trở ngại lớn nhất trong việc học của mình.
    Mình nhờ bạn tư vấn xem mình nên đọc các tài liệu kia theo thứ tự nào thì tốt nhất?

    Cảm ơn bạn 1 lần nữa…
    Mình chúc bạn luôn thành công trong công việc và cuộc sống.

    1. Hi Cát Linh, mình có viết ở trên về các giai đoạn học ấy. Bạn cảm thấy tiếng Anh chưa tốt thì hãy đọc quyển BUSINESS ANALYSIS FOR PRACTITIONERS hoặc PMI-PBA Exam Prep trước nha. Đề thi thật tiếng Anh họ hỏi không khó lắm đâu, bạn cứ đọc được sách là sẽ đọc được đề. Chúc bạn sớm có chứng chỉ nha!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *